Bài toán môi trường hãy nghĩ đến chuyện làm thép

Bài toán môi trường hãy nghĩ đến chuyện làm thép

Làm thế nào giải đươc bài toán “Cần thép, cần cả môi trường”?

Cuối cùng thì Thủ tướng cũng quyết định: Tạm dừng dự án xây dựng nhà máy Thép Cà Ná, Ninh Thuận để nhà đầu tư và địa phương tính toán lại nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới; đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án và xác định lại tổng vốn đầu tư cụ thể.

Dư luận đánh giá đây là sự cẩn trọng đáng mừng của Chính phủ sau thảm họa môi trường mà nhà máy thép Formosa gây ra cho một loạt các tỉnh Bắc Trung bộ thời gian qua. Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng Việt Nam cần có chiến lược phát triển ngành Thép đúng đắn, bền vững, sử dụng công nghệ mới an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong nước, nhưng phải bảo vệ môi trường.

Thủ tướng quyết định tạm dừng dự án xây dựng nhà máy Thép Cà Ná, Ninh Thuận. Ảnh:
Phối cảnh Khu liên hợp luyện cán cán thép Hoa Sen Cà Ná.

Các số liệu thống kê cho thấy Việt Nam tiêu thụ thép hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với ổn định chính trị khiến nhu cầu thép xây dựng ở Việt Nam tăng vọt. Bộ Công thương dự báo: Năm 2020, cả nước thiếu hụt 15 triệu tấn thép thô. Con số này đến năm 2525 là 20 triệu tấn.

Nếu Việt Nam không chủ động, chúng ta sẽ trở thành quốc gia có nguồn quặng sắt dồi dào (1,3 tỉ tấn), có hệ thống cảng nước sâu và những điều kiện lý tưởng cho sản xuất thép, nhưng phải phụ thuộc vào nhập khẩu thép.

Năm 2016, chúng ta nhập siêu gần 7 tỉ USD tiền thép. Riêng ba tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập siêu lượng thép có giá trị gần 2,5 tỉ USD

Nhưng cụ thể, Việt Nam đang thiếu thép gì?

Hiện tại, với thép xây dựng, các doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng 100% nhu cầu thị trường, từ thép thành phẩm đến phôi thép, với tổng công suất 11 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, chúng ta cần bổ sung 6 triệu tấn thép xây dựng.

Với thép cán nóng, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu toàn bộ nhu cầu, sau khi nhà máy trong nước duy nhất sản xuất loại thép này là Formosa phải tạm ngừng hoạt động. Dự báo thép cán nóng sẽ làm tăng vọt lượng thép nhập siêu của Việt Nam trong năm nay.

Vấn đề đáng lo lắng và băn khoăn trong dư luận thời gian qua, đó là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy thép.

Với các nhà máy thép quy mô nhỏ, công suất dưới 500.000 tấn/năm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là có thật. Những nhà máy này vẫn dùng công nghệ cũ, nấu thép phế liệu cán thành thép mới… không xử lý triệt để việc xả thải độc hại ra môi trường.

Theo thống kê của Hiệp hội thép thế giới, công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt bằng công nghệ lò cao – lò thổi ôxy chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu, công nghệ lò điện và các công nghệ còn lại chỉ chiếm khoảng 26 – 30%. Như vậy, sản xuất thép từ quặng sắt sử dụng công nghệ lò cao – lò thổi là công nghệ chính sản xuất thép thế giới hiện nay.

Một thực tế, có hàng trăm tổ hợp thép lớn trên thế giới hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường… Các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…) vẫn phát triển các khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn.

Vấn đề mấu chốt là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường.

Trong khi doanh nghiệp nghĩ đến lợi nhuận, dư luận lo lắng về môi trường thì nhà quản lý lại có cái nhìn bao quát, tổng thể hơn về thép. Chúng ta cần thép và cần cả môi trường trong sạch để phát triển bền vững.

Do đó, lời giải dễ hiểu nhất cho bài toán ngành thép là: Nếu bảo vệ được môi trường thì hãy nghĩ đến chuyện làm thép.

Nguồn tin: Khampha